Thứ giống như đồng hồ cát trong ảnh thực chất là tàn dư của vụ nổ sao siêu lớn mang tên SN 1987A. Bụi và khí bị đẩy về hai phía sau vụ nổ. Nhờ dữ liệu thu được từ kính thiên văn, các nhà khoa học của Đài thiên văn Nam Âu đã dựng lại hình ảnh 3D của vụ nổ
Đám mây bụi và khí khổng lồ trong ảnh được đặt tên là Mystic Mountain (Núi thần bí). Nó trôi nổi trong một tinh vân có tên Carina. Kính thiên văn không gian Hubble chụp được hình ảnh này. Ảnh: NASA.
Cực quang ở phía nam Ấn Độ Dương. Đây là cảnh tượng hiếm thấy ngay cả với các nhà du hành vũ trụ trên Trạm Không gian quốc tế.
Bức ảnh cận cảnh thiên thạch Lutetia do tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp hồi tháng 7. Thiên thạch này, cách trái đất 440 triệu km, có thể là tàn dư của sự kiện khai sinh ra Thái Dương Hệ. Để chụp được bức ảnh, phi thuyền bay cách thiên thạch 3.162 km. Ảnh: ESA.
Một điểm đen trên mặt trời do kính thiên văn New Solar của Viện Công nghệ New Jersey tại Mỹ chụp. Đây có thể là ảnh rõ nhất về điểm đen mặt trời được chụp trong ánh sáng nhìn thấy, các nhà thiên văn nhận định. Ảnh: Viện Công nghệ New Jersey
Sao Hỏa hiện ra cùng cầu vồng trăng phía trên núi lửa Haleakala tại Hawaii, Mỹ hồi tháng 1. Cầu vồng trăng xuất hiện khi ánh sáng từ trăng xuyên qua những hạt nước nhỏ li ti trong sương. Ảnh: TWAN
Giống như một chùm pháo hoa, phần lớn tàu vũ trụ Hayabusa của Nhật Bản tách ra rồi bốc cháy khi nó lao vào bầu khí quyển trong hành trình trở về trái đất hôm 13/6. Một khoang có đường kính 40 cm và được bảo vệ bởi lớp vỏ chịu nhiệt còn nguyên vẹn sau khi cọ xát với không khí. Nó chứa khoảng 1.500 hạt bụi từ một thiên thạch. Những hạt bụi có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn sự hình thành của hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA.